Ngư dân điêu đứng sau vụ chìm tàu cá, bảo hiểm từ chối bồi thường

Mặc dù mua bảo hiểm đầy đủ nhưng khi bị nạn, một tàu cá của ngư dân tại Quảng Bình đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ lại không được Bảo hiểm Bảo Minh đền bù.

Từ chối bồi thường bảo hiểm

Báo Lao Động nhận được đơn pbanr ánh của ngư dân Nguyễn Hải (trú xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) về việc bị Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh từ chối bồi thường bảo hiểm.

Ngư dân Nguyễn Hải là chủ tàu đánh cá vỏ gỗ mang số hiệu QB 92206-TS được cho vay để vươn khơi bám biển theo Nghị định 67 của Chính phủ. Đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, phát triển hoạt động khai thác thủy sản theo hướng hiện đại, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Anh Hải cho biết, gia đình anh đã vay vốn ngân hàng hơn 9,1 tỉ đồng để đóng mới tàu cá.

Ngày 10.6.2018, khi đang đánh bắt tại tọa độ 16 độ 12 phút Bắc – 110 độ 17 phút Đông thì tàu bị va chạm dẫn đến chìm, các thuyền viên đã được 2 tàu cá khác cứu sống.

Sau khi sự việc xảy ra, anh Hải đã báo với các cơ quan chức năng có thẩm quyền và đề nghị Công ty Bảo Minh bồi thường theo cam kết tại giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản do ông Lê Quang Trung – GĐ Công ty Bảo Minh Quảng Bình ký cấp.

Tuy nhiên, khoảng 5 tháng sau, Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh có văn bản thông báo từ chối bảo hiểm đối với tàu bị nạn. Ngư dân Nguyễn Hải cho biết, bảo hiểm khai thác hải sản do ông Lê Quang Trung ký cấp vẫn còn hiệu lực nhưng sau khi sự việc xảy ra không có đại diện của Công ty Bảo Minh đến gặp ngư dân để tìm hiểu và xác minh sự việc, mà ủy quyền cho một công ty trung gian để xử lý.

Theo anh Hải, công ty trên cũng không gặp trực tiếp hay làm việc với ngư dân mà tự tìm hiểu, xử lý. Sau đó Công ty Bảo Minh ra quyết định từ chối bồi thường.

Suy đoán để từ chối bảo hiểm?

Trao đổi với Báo Lao Động, anh Hải khẳng định “căn cứ để đưa ra lý do từ chối của Tổng Công ty Bảo Minh là chưa rõ ràng, xác đáng, nhiều nội dung mang tính nhận định chủ quan”.

Cụ thể, anh Hải cho rằng sự cố chìm tàu xảy ra ngày 10.6.2018, tuy nhiên Tổng Công ty Bảo Minh lại căn cứ các hình ảnh tàu được xác định trong các ngày 18.9.2016 và 26.3.2018 để đưa ra đánh giá làm sai lệch sự việc.

Ngoài ra, theo anh Hải, Tổng Công ty Bảo Minh còn tự diễn giải số lượng thuyền viên trên tàu bị nạn và lấy lời khai không có căn cứ. Từ đó đưa ra suy đoán rồi kết luận là chủ tàu “hành động gian dối, không trung thực” và từ chối bồi thường bảo hiểm.

Anh Hải cho biết, Công ty Bảo Minh và công ty được cho là  được ủy quyền giám định không hề làm việc với ngư dân bị nạn. Anh Hải cũng không được mời làm việc để xác nhận bất kỳ một văn bản nào liên quan.

Bảo hiểm đang còn hiệu lực tính đến khi bị nạn do Bảo Minh Quảng Bình cấp cho tàu cá bị nạn. Ảnh: Lê Phi Long
Bảo hiểm đang còn hiệu lực tính đến khi bị nạn do Bảo Minh Quảng Bình cấp cho tàu cá ngư dân Hải. Ảnh: Lê Phi Long

Anh Hải cho rằng, việc Tổng Công ty Bảo Minh từ chối trách nhiệm với tàu cá bị nạn với những căn cứ, lý do không rõ ràng khiến gia đình anh suy sụp, mất niềm tin hoàn toàn vào đơn vị bảo hiểm.

Hiện gia đình ngư dân Hải gặp rất nhiều khó khăn do tàu đã bị chìm nên không có phương tiện làm ăn, trong khi toàn bộ tiền đóng tàu là tiền vay, gia đình không có nguồn thu để trả nợ và trang trải cuộc sống.

Ngày 20.5, trả lời PV Báo Lao Động, ông Lê Quang Trung – GĐ Công ty Bảo Minh Quảng Bình cho rằng, ông không có quyền phát ngôn mà trách nhiệm thuộc về Tổng Công ty Bảo Minh, hồ sơ về sự việc ông cũng không có, mặc dù ông là người ký cấp bảo hiểm cho ngư dân (?!).

Theo báo Lao động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *